Tinh thần YOLO (You Only Live Once - bạn chỉ có một lần để sống) những năm gần đây được nhiều bạn trẻ gen Z áp dụng trong cách sống. Ở mặt tích cực, lối sống cổ vũ sự hết mình, sống cho thật ý nghĩa, trọn vẹn của người trẻ. Tuy nhiên, từ đây, nhiều trường hợp dở khóc dở cười đã xảy ra.
Đơn cử, gần đây, trên các diễn đàn diễn ra nhiều tranh luận xoay quanh nhân sự gen Z. Nhiều quản lý công ty cho rằng hơn một nửa số nhân sự lứa tuổi này từ chối các công việc ngoài giờ và thường xuyên nghỉ việc đột ngột. Một số khác nói gen Z "sống quá cảm xúc", khác xa thế hệ trước.
Không ít quan điểm cho rằng thế hệ trước trải qua thời kỳ khó khăn nên đã biết vun vén, tiết kiệm và nghĩ đến kinh tế và phấn đấu hết mình trong công việc. Ngược lại, thế hệ trẻ thời này sinh ra là đã được bọc trong nhung lụa, hoặc ít nhất cũng không đến nỗi khó khăn lắm nên đặt những trải nghiệm cá nhân lên hàng đầu.
Theo đó, gen Z được cho là sống hoang phí hơn thế hệ trước khi thu nhập một bộ phận người mới ra trường vài năm chỉ khoảng 10-20 triệu đồng/tháng nhưng chưa bao giờ tiêu đủ trong một tháng chứ chưa nói đến chuyện tiết kiệm cho tương lai.
Người trẻ thậm chí phải dùng thêm thẻ tín dụng để chi tiêu trước và trả nợ sau. Họ sẵn sàng chi mạnh tay cho việc mua sắm, ăn chơi, du lịch, hưởng thụ… Nhiều bạn có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu để rồi chưa hết tháng đã hết tiền, rơi vào cảnh nợ nần khi biến cố ập đến.Liệu có bất công khi nói gen Z sống phung phí hơn thế hệ trước? Gen Z hiện có nhiều áp lực hơn thế hệ trước không? Nếu có, đó là gì?
Tại số ChatToday 9h sáng mai (1/8), khách mời là thạc sĩ Ngô Hương Giang - chuyên gia giáo dục quản lý tài chính - sẽ đưa ra quan điểm xoay quanh những tranh luận của các nhà tuyển dụng dạo gần đây với gen Z.
Đồng thời, bà cũng chỉ ra những áp lực của tương lai nếu Gen Z không học cách kiểm soát tài chính và cảm xúc từ sớm. Góc nhìn về câu chuyện giới trẻ tiêu xài hoang phí hơn thế hệ trước và bài học về giáo dục tài chính cho người trẻ cũng sẽ được đưa ra bàn luận.
Bình luận